Năm xưa,ườitốomakase nhân vật Phú trong tác phẩm Vỡ đêcủa nhà văn Vũ Trọng Phụng khi ngang qua Hội Tế sinh (Hà Nội) - nơi nuôi dạy trẻ em mồ côi, mọi người cùng đi qua, đã nhìn thấy nhưng trong lòng không gợi lên một chút cảm xúc nào, rồi đến một lúc bình tâm tìm hiểu, mới ngạc nhiên thốt lên: "Ở cái nước Nam khốn khổ, xấu xa này, mà lại có được một sự tốt đẹp thế này hay sao?".
Thật vậy, đi qua dòng chảy khắc nghiệt muôn màu của cuộc sống, nếu biết lắng nghe, quan sát, hẳn chúng ta sẽ tìm thấy những vẻ đẹp sâu lắng, từ những con người bình dị lẫn lộn trong thập loại chúng sinh, họ như tôi, như bạn chứ không phải "người của công chúng" tên tuổi nổi như cồn. Tuy nhiên, họ khác nhiều người khi có "Trái tim yêu, bàn tay ấm". Trái tim biết yêu lấy những số phận không may mắn, sa cơ thất thế, vì thế họ sẵn sàng đưa bàn tay ấm nâng đỡ trong yêu thương đồng cảm.
Tập sách này tuyển chọn từ các bài tham dự cuộc thi Sống đẹp trên Báo Thanh Niên, đã đem đến cho tôi nhiều xúc động. Rất xúc động. Vì có những số phận ngay từ khi sinh ra đã khiếm khuyết, họ chán nản ư?, họ ngao ngán thân thể mình ư? Không. Không chỉ dám vượt qua số phận, họ còn vươn lên vui sống, kỳ lạ thay chính họ lại đem đến niềm vui, công ăn việc làm cho những người không rơi vào số phận bất hạnh như họ đang trải qua.
Trong số nhiều nhân vật, tôi cố gắng hình dung ra gương mặt của một người khiếm thị là anh Lê Trung Cường (Hải Phòng). Đáng khâm phục khi dù mù nhưng anh vẫn tìm cảm hứng yêu đời từ văn chương, viết truyện và trở thành giáo viên dạy tin học của Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng. Tương tự là bạn Vũ Văn Tuấn (Thừa Thiên-Huế), sau thi tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm, đã tự nhủ: "Tôi biết rằng tương lai sẽ còn nhiều sóng gió, khó khăn, nhưng tôi sẽ không từ bỏ, không buông tay, mãi mãi và luôn nỗ lực vượt qua thử thách, đem lại hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình và giúp được thật nhiều người cùng cảnh ngộ".
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Hóa) cũng là một phong cách sống đẹp, dù chỉ cao 88 cm vì bệnh loạn sản sụn nhưng không chỉ tốt nghiệp hai bằng đại học mà chị còn mở công ty. Quan niệm kinh doanh của chị chan chứa một tinh thần mới: Vượt qua bao sóng gió thương trường, những ngày đầu đi ký kết hợp đồng, phía đối tác ít nhiều ngờ vực về năng lực công ty được lãnh đạo bởi một người phụ nữ khuyết tật, nhỏ bé như chị. "Nhưng rồi, bằng chính sự tận tâm, trách nhiệm, chúng tôi đã tạo được uy tín với các đối tác và chứng minh cho họ thấy rằng, người bình thường làm được thì người khuyết tật cũng có thể làm được, chỉ cần tin tưởng vào chúng tôi, cho chúng tôi động lực". Ý kiến này cũng là một cách bổ sung thêm về khái niệm Sống đẹp, rằng bất kỳ ai cũng có thể vượt lên chính mình, nếu dám thay đổi và nhất là cần có sự ủng hộ của "Trái tim yêu, bàn tay ấm".
Trở lại với nhân vật Phú của nhà văn Vũ Trọng Phụng, nếu anh ta bước ra cuộc đời hôm nay, ắt sẽ còn ngạc nhiên vì những trường hợp yêu thương trẻ mồ côi không còn cá biệt mà đã trở nên phổ biến. Điều này cho thấy xã hội ngày một tiến bộ, phát triển và nhân văn hơn trước. Tôi chú ý đến những con người bình thường như vợ chồng chú Hiệp - người sáng lập và điều hành cơ sở bảo trợ trẻ em mồ côi Thiên Thần - Mái ấm Thiên Thần (Thủ Đức). Ngoài việc chăm sóc, dạy trẻ, họ còn tặng gia tài gồm 2.500 m² đất cùng căn nhà ba tầng cho các em.
Việc làm tốt bao giờ cũng vậy, dù không ồn ào nhưng lại lan tỏa và tác động tích cực đến người khác. Có thể kể đến trường hợp ông Đinh Minh Nhật (Gia Lai) suốt 8 năm qua, gần 120 đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi vì lệ tục, được ông đón về nuôi nấng là hành động nhân ái quá sức tưởng tượng với nhiều người. Và đến lúc ông không còn sức khỏe nữa, công việc này sẽ kết thúc? Không. Do chứng kiến và khâm phục, cháu gái ông đã từ chối cánh cửa vào đời rạng rỡ đang mở ra để tiếp tục công việc nhọc nhằn của bác mình.
Thái độ và sự lựa chọn Sống đẹp có thể giống nhau nhưng lại không giống nhau, vì còn tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Có thể đó là những hy sinh, lặng lẽ từ bỏ những tiện nghi, đầy đủ nơi phố xá để tình nguyện lên vùng cao dạy học, làm việc nhằm góp công sức mình thay đổi nơi ấy. Cũng có thể đó là "Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện tại tỉnh Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong đó, Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Facebook Quảng Ngãi là một mô hình áp dụng mạng xã hội kết nối những trái tim trong phong trào hiến máu tình nguyện"…
Ngoài những phóng sự, ký sự, ghi chép còn là ý tưởng hay của Ban tổ chức khi "thử thách" người tham dự ở mảng truyện ngắn. Điều này có nghĩa là tạo điều kiện cho các nhà văn khi xây dựng tác phẩm văn học lấy cảm hứng từ tinh thần Sống đẹp. Nhờ thế bạn đọc có thể cảm nhận được tinh thần Sống đẹp từ nhiều góc độ khác nhau. Tôi tin chắc rằng bạn đọc sẽ hài lòng với tập sách này, vì rằng, thêm một lần chúng ta sẽ thay đổi góc nhìn về mối quan hệ xã hội ngày hôm nay, ta có thể gật gù tâm đắc: "Dù thế nào, quanh ta vẫn còn người tốt, vẫn còn đó giá trị nhân văn của người Việt".
Kết quả cuộc thi Sống đẹplần 3
Vì chất lượng - điểm số nhiều bài dự thi tương đối đồng đều nên Ban tổ chức quyết định tăng giải khuyến khích hạng mục phóng sự, ký sự, ghi chép và hạng mục truyện ngắn từ 5 lên thành 7 giải.
Với hạng mục video, do tác phẩm dự thi không đạt yêu cầu nên Ban tổ chức không trao giải.
Hạng mục phóng sự, ký sự, ghi chép:
Giải nhất: Sao băng đã rớt, ngọn lửa vẫn rực- tác giả Lữ Khách (TP.HCM).
Giải nhì: Làm phúc quên cả phận mình- Ngọc Tấn (Gia Lai), Người "nạp" thêm dưỡng khí vào bầu khí quyển- Nguyễn Duy Khánh (Hà Nội).
Giải ba: Vươn về phía mặt trời, Quỳnh Anh - Linh Chi (Thừa Thiên-Huế), Người viết văn bằng đôi mắt trong trái tim- Kiều Xuân Quỳnh (Hà Nội), Những người hy sinh giấc ngủ chỉ đổi lại nụ cười- Nguyễn Văn Công (Hà Nội).
Giải khuyến khích: "Cô gái vàng" trong làng nhặt rác - Đặng Hoàng An (Long An), "Phi một chân" sải bước giúp đời - Vũ Thị Phương Anh (Hà Nội), Cô ấy là Minh Tâm- Song Thu (Đồng Tháp), "Anh nuôi" của 8.000 em nhỏ vùng cao - Thành Đạo (Sơn La),Vượt qua chông gai vì ngày mai tươi sáng- Vũ Văn Tuấn (Thừa Thiên-Huế),Đã giúp người thì giúp cho trót - Nguyễn Thanh Bình (TP.HCM),Người thương binh nhân hậu- Nguyễn Văn Học (Hà Nội).
Hạng mục truyện ngắn:
Giải nhất: Đầu mùa gió thổi- Trần Thị Diệp (Hà Tĩnh).
Giải nhì: Yêu bằng tình loài người- Nguyễn Trí (Đồng Nai).
Giải ba: Hãy làm một việc tốt- Nguyễn Hoàng Vũ (Khánh Hòa),Vượt lũ- Kiều Bích Hậu (Hà Nội).
Giải khuyến khích: Thả một trái tim đỏ chói- An Phúc (TP.HCM),Những ngày đẹp trời - Ng.Uyên (TP.HCM), Bàn tay gọi nắng- Ny An (Đà Nẵng), Giữa những bộn bề…!- Lê Mỹ Thạnh (Phú Yên), Một người kỳ lạ như thế- Redamancy (Khánh Hòa), Một món quà- Thảo Nguyên (Bình Dương), Mây che đỉnh núi- Nguyễn Hiên (Đắk Lắk).
Hạng mục ảnh:
Giải nhất: Hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp- Nguyễn Mạnh Cường (TP.HCM).
Giải nhì: Chung tay gìn giữ môi trường- Bùi Việt Hưng (Bình Dương).
Giải ba: Về một tấm gương tàn nhưng không phế- Trần Văn Túy (Bình Thuận).
Giải khuyến khích: Cõng chữ lên non- Bùi Thị Hồng Vân (Hòa Bình), Giúp dân khắc phục hậu quả do biển xâm thực- Lê Minh Quát (Bình Thuận), "Việc phụ" trên quần đảo Hải Tặc- Hồng Hiếu (Cần Thơ), Làm gạch sinh thái trong giờ hoạt động ngoại khóa- Vũ Sơn Lâm (Đồng Nai), Đôi chân đi đến nhịp đập cuối cùng- Đặng Hoàng An (Long An).
Giải thưởng khác:
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: Trần Nhã Thụy, tác phẩm Xin bình yên, nguyện bình yên.
Giải thưởng dành cho tác giả viết về một dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp:Làm phúc quên cả phận mình(Ngọc Tấn, Gia Lai).
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và Ban giám khảo bình chọn: Đinh Thị Thùy Trang (trong tác phẩm Làm phúc quên cả phận mình - Ngọc Tấn), Vũ Quốc Cường - đã mất (trong tác phẩm Sao băng đã rớt, ngọn lửa vẫn rực - Lữ Khách), Lê Trung Cường (trong tác phẩm Người viết văn bằng đôi mắt trong trái tim- Kiều Xuân Quỳnh), Lê Thanh Nga (trong tác phẩmĐã giúp người thì giúp cho trót- Nguyễn Thanh Bình), Sùng A Cải (trong tác phẩm Người "nạp" thêm dưỡng khí vào bầu khí quyển- Nguyễn Duy Khánh).
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): Đôi chân đi đến nhịp đập cuối cùng- Đặng Hoàng An (TP.HCM).
Thiên Anh